Những năm gần đây được đánh giá là giai đoạn tăng trưởng mạnh của An Phát Holdings (APH) khi kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt bậc. Nếu năm 2014, doanh thu của APH đạt 1.564 tỉ đồng thì năm 2020 dự kiến đạt 12.000 tỉ đồng.
Hiện APH đang thực hiện những chuyển đổi tích cực, hướng tới trở thành Tập đoàn tiên phong tạo lập chuỗi giá trị công nghiệp nhựa kỹ thuật cao và thân thiện với môi trường. Đặc biệt, việc mở rộng ngành nghề kinh doanh với nhiều dự án mới bám sát mảng kinh doanh cốt lõi, tạo sự liên kết giữa các đơn vị thành viên là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp này phát triển.
Biến chuyển rõ nét sau khi lên mô hình Tập đoàn
Sau một thời gian chuyển đổi mô hình, có thể thấy biến chuyển tích cực của APH trong việc tạo lập, duy trì, phát triển hệ thống các công ty thành viên.
Nếu trước đây, APH được biết đến nhiều là doanh nghiệp sản xuất bao bì màng mỏng thì nay APH đã mở rộng nhiều ngành nghề với 14 công ty thành viên, phát triển nhiều lĩnh vực như sản phẩm và nguyên vật liệu sinh học phân hủy hoàn toàn, bao bì, nhựa kỹ thuật và nhựa nội thất, cơ khí chính xác và khuôn mẫu, nguyên vật liệu và hóa chất ngành nhựa, bất động sản công nghiệp… cùng nhiều chi nhánh vận hành tại nước ngoài Hàn Quốc, Mỹ, Singapore…
Sự phát triển nhanh chóng của APH trong những năm gần đây khiến không ít ý kiến nghi ngại nhưng nhìn lại thì các công ty chủ lực của APH đều có kết quả kinh doanh tốt, 03 công ty đã niêm yết trên sàn HoSE, nhiều thành viên khác đã trúng những đơn hàng lớn, tiềm năng xuất khẩu mở rộng…
Năm 2019 doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất của APH đạt lần lượt 9.513 tỷ đồng và 712 tỷ đồng, tăng trưởng 19% và 305% so với cùng kỳ năm 2018. Nếu trước đây, nguồn thu chính của APH từ hoạt động sản xuất bao bì (90% doanh thu và lợi nhuận) thì nay với việc mở rộng sang các lĩnh vực khác, đặc biệt là mảng công nghiệp hỗ trợ đã chiếm 12% trong cơ cấu doanh thu hợp nhất và tăng trưởng bình quân 9%/năm của Tập đoàn này giai đoạn 2015 – 2019. Đặc biệt, chỉ sau hơn 1 năm đi vào hoạt động chính thức, mảng bất động sản khu công nghiệp đã gặt hái được thành công đáng kể khi đóng góp 7% doanh thu và 29% lợi nhuận gộp năm 2019 cho APH. Hiện APH đang vận hành và hoạt động dưới dạng mô hình liên kết dọc, liên kết các công ty hoạt động trong cùng một chuỗi giá trị ngành như các công ty cung ứng vật liệu, sản xuất, vận tải, bán hàng,… Mối liên kết này đã đem lại nhiều lợi thế về chi phí, chủ động nguồn nguyên liệu, chủ động trong việc sản xuất và đưa hàng ra thị trường, khả năng kiểm soát các dịch vụ… Với mô hình này, APH đang hoàn thiện hệ sinh thái doanh nghiệp khép kín, gia tăng giá trị bằng việc kiểm soát chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị.
Đa dạng ngành nghề, mở rộng chuỗi sinh thái doanh nghiệp
Trong hệ thống APH, sự chú ý dồn về Công ty CP Nhựa An Phát Xanh (mã chứng khoán: AAA), Công ty CP Nhựa Hà Nội (mã chứng khoán: NHH). Điều này cũng dễ hiểu bởi AAA là tiền thân của APH và cũng là công ty lâu nay đem lại doanh thu và lợi nhuận cao nhất cho Tập đoàn này. Đây cũng là doanh nghiệp có tiếng tại Đông Nam Á với sản lượng xuất khẩu bao bì màng mỏng ấn tượng, chiếm 20% thị phần xuất khẩu của cả nước trong năm 2019.
Để chủ động việc sản xuất dòng sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn của AAA – lĩnh vực được đánh giá vô cùng tiềm năng, APH đã đầu tư vào dự án nhà máy nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn (AnBio) với tham vọng sẽ giảm được mức lớn giá thành sản phẩm. Dự kiến nhà máy sẽ hoàn thiện vào năm 2022 với công suất 20.000 tấn sản phẩm/năm, vốn đầu tư gần 1.500 tỉ đồng. Đến năm 2023, APH đặt mục tiêu các sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn sẽ đóng góp 40-50% trong cơ cấu doanh thu từ bao bì.
Bên cạnh đó, các thành viên của APH cũng được xem sẽ rộng đường tham gia vào các chuỗi cung ứng như An Tín Logistics vận chuyển hàng hóa, Nhựa Hà Nội cung cấp linh kiện ôtô – xe máy, An Trung Industries cung cấp các linh kiện nhựa điện – điện tử, An Tiến Industries cung cấp nguyên liệu, hạt nhựa phụ gia và bột đá cho các thành viên, An Thành là công ty kinh doanh nguyên vật liệu & sản phẩm…
Đặc biệt, ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, APH đã xây dựng Công ty TNHH MTV Cơ khí chính xác và Chế tạo khuôn mẫu Việt Nam (VMC) – lĩnh vực cơ bản, cốt lõi để phát triển ngành này. Hiện VMC cung cấp khuôn cho các công ty thành viên của APH, thị trường trong và ngoài nước, nhằm đảm bảo việc chế tạo, sản xuất, duy trì, bảo dưỡng sản phẩm.
Với bất động sản công nghiệp, những năm gần đây, Công ty TNHH KCN Kỹ thuật cao An Phát (An Phát Complex) đã thu hút nhiều nhà đầu tư đến Hải Dương, tạo lập hệ sinh thái công nghiệp, mở ra cơ hội hợp tác sản xuất các sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn, bao bì, nhựa kỹ thuật và nhựa nội thất, cơ khí chính xác và khuôn mẫu …
Mới đây APH đã đầu tư thêm vào KCN Quốc Tuấn – An Bình rộng 180ha với mục đích thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp như chế tạo và lắp ráp linh kiện cơ khí, điện tử; công nghiệp chế biến thực phẩm, hàng tiêu dùng và các ngành công nghiệp hỗ trợ. Dự kiến, KCN sẽ được khai thác và hoạt động giai đoạn đầu tiên vào cuối năm 2020.
Sâu chuỗi lại có thể thấy, việc phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp khép kín giúp APH tối ưu hóa được dòng tiền, tái đầu tư lợi nhuận vào những lĩnh vực tiềm năng, giảm sự phụ thuộc vào tính chu kỳ của thị trường, đồng thời đáp ứng tốt nhu cầu kế hoạch của khách hàng, chủ động nguồn cung, kiểm soát được chất lượng sản phẩm trong mọi chiến lược kinh doanh.