Những năm gần đây, Hải Dương tích cực cải thiện môi trường đầu tư, có nhiều dấu ấn nổi bật trong phát triển kinh tế – xã hội, và là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư FDI.
Theo lãnh đạo Phòng Quản lý đầu tư (Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương) từ đầu năm đến ngày 12/11, các khu công nghiệp trong tỉnh thu hút 889,16 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vượt gần 4,5 lần kế hoạch năm.
Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 45 dự án FDI mới với tổng vốn đầu tư 771,39 triệu USD. Điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 26 lượt dự án FDI với tổng vốn tăng thêm 117,77 triệu USD.
Một số khu công nghiệp thu hút được nhiều dự án FDI mới là Đại An mở rộng, An Phát 1, Lương Điền – Cẩm Điền, Lai Cách. Đến nay, các khu công nghiệp trong tỉnh đã thu hút 278 dự án FDI thứ cấp đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 5,87 tỷ USD.
Theo ông Triệu Thế Hùng – Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, tính đến nay, trên địa bàn đã có 889,16 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đến gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, xếp thứ 4 trong khu vực đồng bằng sông Hồng và đứng 11 cả nước. Mục tiêu, ngành nghề tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 437 dự án, tổng vốn 8.672,6 triệu USD, chiếm 94% vốn đăng ký; lĩnh vực dịch vụ có 42 dự án với số vốn 316,2 triệu USD, chiếm 3,4% tổng vốn đăng ký; lĩnh vực nông nghiệp có 17 dự án với số vốn 226,9 triệu USD, chiếm 2,6% tổng vốn đăng ký.
Với lợi thế về vốn, công nghệ và kỹ thuật, kinh nghiệm thương trường, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh đang là các doanh nghiệp đi đầu trong xuất khẩu, hội nhập kinh tế quốc tế, tạo nhiều sản phảm mới cho hàng hoá sản xuất tại địa phương.
Năm 2018-2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 35.453 triệu USD chiếm 84,8% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI luôn là điểm sáng trong đóng góp vào ngân sách tỉnh, hàng năm luôn chiếm khoảng 30% tổng thu ngân sách của địa phương. Riêng năm 2022, mặc dù tình hình kinh tế xã hội gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng dịch bệnh, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đóng góp gần 5.000 tỷ đồng, vượt 157% dự toán giao…
Được biết, đến nay hệ thống pháp luật và hành chính của tỉnh Hải Dương thường xuyên được rà soát, hoàn thiện, bảo đảm tính minh bạch, dễ tiếp cận với nhà đầu tư. Cùng hòa vào cuộc đua chuyển đổi số của các tỉnh thành, Hải Dương hướng đến mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, năm 2025 sẽ có 80% thủ tục hành chính của tỉnh được thực hiện ở mức độ 4. Cùng với đó, trước những tác động của dịch COVID-19, lãnh đạo tỉnh luôn sát sao đồng hành cùng doanh nghiệp. Hiện, Hải Dương đề ra nhiều giải pháp quyết liệt để nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống cho người dân. Tỉnh tập trung cải cách hành chính, hướng dẫn và đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng tạo điều kiện thời gian nhanh nhất cho các nhà đầu tư khi thực hiện dự án tại Hải Dương.
Được biết, trong mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021-2025 của Hải Dương sẽ tăng ngồn cung bất động sản công nghiệp chất lượng. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, giai đoạn 2021 – 2030, địa phương này sẽ phát triển tiếp 15 KCN, 50 cụm công nghiệp, với tổng diện tích gần 10.000 ha. Đặc biệt, tỉnh Hải Dương đã quy hoạch 1 vùng công nghiệp động lực tại vị trí chỉ cách Hà Nội 25 phút đi ô tô đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, với tổng diện tích 10.000 ha. Trong đó, có 5.000 ha đất công nghiệp, 2.000 ha đất đô thị, dịch vụ và logistics.
Chỉ riêng 9 tháng năm 2023, Hải Dương thu hút vốn FDI công nghiệp đạt 343 triệu USD Quy mô vốn đầu tư FDI vào Hải Dương tương đối đồng đều, trung bình 10 triệu USD/dự án. Các dự án FDI tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo với tỷ lệ 99,3% tổng vốn đầu tư. Các ngành nghề hút vốn đầu tư chủ yếu tại Hải Dương là sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm điện – điện tử, sản xuất hàng may mặc, nông sản xuất khẩu, cơ khí chế tạo phục vụ sản xuất, lắp ráp ôtô các loại…Hải Dương cũng đang trong quá trình đề nghị Chính phủ cho thành lập khu kinh tế tại các huyện Bình Giang, Thanh Miện với nhiều ưu đãi.
Đóng góp với Hải Dương, ông Kim Sungsoo, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam – doanh nghiệp đã 3 lần điều chỉnh tăng vốn đầu tư vào Hải Dương – nêu quan điểm: “Về định hướng thu hút đầu tư, tỉnh Hải Dương cần bảo đảm hạ tầng tốt nhất để cạnh tranh với các tỉnh, thành phố lân cận. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ về pháp lý, giải quyết nhanh gọn các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, quản trị lao động; hỗ trợ người nước ngoài nhằm tăng thêm các điều kiện hấp dẫn, khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào tỉnh”.
Để tăng sức hút, không chỉ chính quyền nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường hoạt động xúc tiến, mà bản thân doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN cũng cần có sự thay đổi, điều chỉnh để tăng sức hấp dẫn của chính mình. Một trong những doanh nghiệp đang thay đổi như thế là Công ty cổ phần Đại An. Mới đây, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty Hữu hạn Tập đoàn Deli (Trung Quốc) thực hiện dự án gần 6.500 tỷ đồng tại khu công nghiệp Đại An mở rộng.
Công ty Hữu hạn Tập đoàn Deli thuê hơn 21 ha ở khu công nghiệp Đại An mở rộng (Cẩm Giàng) để xây dựng nhà máy sản xuất các loại văn phòng phẩm, hàng gia dụng, máy tính điện tử cá nhân, máy photocopy, máy hủy tài liệu, máy ép plastic; chế biến mủ cao su; sản xuất, chế biến nguyên liệu cao su và một số sản phẩm cao su…. Dự kiến, mỗi năm nhà máy cung cấp ra thị trường khoảng 166 triệu sản phẩm các loại và thực hiện quyền xuất khẩu, nhập khẩu và phân phối bán buôn với doanh thu khoảng 5 triệu USD/năm.
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh: Thời gian qua, BQL đã tích cực rút ngắn các thủ tục hành chính. Việc cấp phép đầu tư cho các dự án mới đã được rút ngắn xuống còn từ 5-10 ngày thay vì 15 ngày theo quy định; 100% thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn. Ban cũng thường xuyên phối hợp các sở, ban, ngành trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư…
Thời gian tới, để thúc đẩy việc thu hút, nâng cao hiệu quả khai thác và phát huy tối đa nguồn vốn FDI, tỉnh xác định ưu tiên thu hút nguồn vốn FDI vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông minh, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ; ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực, dự án có giá trị gia tăng cao, sử dụng ít đất đai, thân thiện với môi trường.
Nguồn: Trung Thành – diendoandoanhnghiep.vn