Hải Dương: Tiềm năng và cơ hội đầu tư FDI

Hải Dương: Tiềm năng và cơ hội đầu tư FDI

“Phát huy tối đa tiềm năng, tạo nhiều giá trị khác biệt”, triết lý phát triển của tỉnh Hải Dương đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong mọi chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của tỉnh những năm gần đây…

Nguồn lực nào để để tạo ra những giá trị khác biệt? Đó là nội lực và ngoại lực. Lãnh đạo tỉnh Hải Dương xác định, nguồn nội lực của Hải Dương giữ vai trò quyết định, còn nguồn ngoại lực đóng vai trò quan trọng. Nguồn ngoại lực sẽ góp phần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế  riêng có của Hải Dương, thúc đẩy tỉnhphát triển nhanh và bền vững.

ĐIỂM SÁNG THU HÚT NGUỒN VỐN FDI

Nguồn vốn FDI chính là một trong những nguồn ngoại lực quan trọng giúp Hải Dương phát triển và tạo ra những giá trị khác biệt.

Năm 2022, với chủ đề “Thích ứng linh hoạt – Tăng trưởng bứt phá”, tỉnh đã đề xuất thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của giai đoạn sau (2021- 2030). Đáng chú ý, trong cả 10 nhóm nhiệm vụ đó đều liên quan trực tiếp hoặc tạo ra những thuận lợi cho việc tiếp tục thu hút nguồn vốn FDI cho những năm tiếp theo một cách bài bản, năng động hơn.

Không thể có con đường nào khác, Hải Dương “Muốn bứt phá thì phải mở rộng xúc tiến đầu tư”. Thực tế, nhiều năm qua việc thu hút nguồn vốn FDI luôn là một trong những điểm sáng của tỉnh Hải Dương. Tất cả, đang từng tháng, từng ngày tạo ra một diện mạo mới cho Hải Dương. Với tiềm năng sẵn có cùng chủ trương đúng đắn, sáng tạo, những năm gần đây, môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của tỉnh Hải Dương không ngừng được cải thiện dẫn đến nguồn vốn từ khu vực FDI vào tỉnh liên tục tăng.

Nếu tính từ năm 1987, là năm Việt Nam bắt đầu thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài, lúc này, Hải Dương chỉ tiếp nhận được 2 dự án quy mô nhỏ với tổng số vốn là 6, 9 triệu USD  thì năm năm sau đó (1991-1996) Hải Dương đã cấp phép tới 16 dự án với lượng vốn đầu tư đạt 448 triệu USD. Đặc biệt đến giai đoạn 2006-2010 dòng vốn FDI thu hút về Hài Dương lên tới 151 dự án, vốn thu hút (kể cả vốn tăng thêm) đạt 1.966,8 triệu USD.

Đáng chú ý giai đoạn này số dự án mở rộng sản xuất, tăng vốn tiếp tục gia tăng: 84 dự án với số vốn tăng thêm 541,5 triệu USD. Riêng năm 2006, một năm đặc biệt với số vốn thu hút lên đến 663,6 triệu USD, gần bằng tổng lượng vốn FDI của 10 năm trước đó cộng lại. Và trong nhiệm kỳ qua (2016-2020) Hải Dương đã thu hút 4,3 tỷ USD vốn FDI (đứng thứ 11 toàn quốc). Tính đến hôm nay, Hải Dương đã có tới 492 dự án FDI đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn 9,227 tỷ USD.

Nguồn vốn FDI này đã thu hút trên 200.000 lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp cùng hàng ngàn lao động gián tiếp khác. Các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh đã đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 4.000 – 5.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 33% đóng góp ngân sách nhà nước.

Nhiều doanh nghiệp FDI đang tiếp tục điều chỉnh tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất tại Hải Dương, trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản. Hiện toàn tỉnh đã có 60 dự án đến Nhật Bản, với tổng vốn gần 1,5 tỷ USD, đứng thứ hai về số lượng dự án và số vốn đầu tư FDI. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp Nhật Bản trên địa bàn Hải Dương đạt 915 triệu USD, chiếm 9,3% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, đóng góp 12,4% vào tổng giá trị sản phẩm của tỉnh.

CAM KẾT DÀNH ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI NHẤT CHO NHÀ ĐẦU TƯ

Mới đây, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hải Dương tổ chức sự kiện “Gặp gỡ doanh nhân Nhật Bản 2022”. Với chủ đề “Hải Dương – tiềm năng và cơ hội đầu tư FDI”, hội nghị thu hút hơn 500 đại biểu đến từ các ban, bộ, ngành Trung ương, đại diện doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp trong nước. Sự kiện là hoạt động có ý nghĩa quan trọng và thiết thực, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ, hiệu quả việc thu hút đầu tư của Nhật Bản vào Hải Dương, góp phần nâng cao mối quan hệ đối tác chiến lược hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản.

Hải Dương: Tiềm năng và cơ hội đầu tư FDI - Ảnh 1

Ông Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, đánh giá Hải Dương là địa phương có rất nhiều tiềm năng để các doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư. Đây là điểm đến đầy hứa hẹn thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản, nổi bật ở các lĩnh vực phát triển Khu công nghiệp, dịch vụ nghỉ dưỡng, công nghiệp phụ trợ.

“Trong đại dịch Covid-19, đã có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản phải cách ly, dẫn tới gián đoạn chuỗi cung ứng; tuy nhiên, các ban, ngành của tỉnh Hải Dương đã phối hợp rất chặt chẽ với doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động kinh doanh tại đây để nhanh chóng khắc phục khó khăn của đại dịch và phục hồi, ổn định sản xuất. Tôi mong rằng, các ban, ngành của tỉnh Hải Dương tiếp tục lắng nghe, hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư kinh doanh tại tỉnh, đưa tỉnh Hải Dương trở thành địa phương có sức hấp dẫn hơn nữa”, Ngài Yamada Takio bày tỏ.

Đại sứ cũng đã đề xuất 3 vấn đề đối với doanh nghiệp Nhật Bản. Đó là đảm bảo nguồn nhân lực, lao động; nguồn cung ứng điện và sự hỗ trợ tuân thủ phát luật của các tỉnh Hải Dương đối với các nhà đầu tư Nhật Bản.

Đánh giá cao môi trường đầu tư tại Hải Dương, các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn mong muốn được tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông Kurihara Kiyokazu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam chia sẻ, Hải Dương có vị trí thuận lợi, an ninh, chính trị ổn định nên được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Ngoài đóng góp đáng kể cho ngân sách, những nỗ lực trong việc cải thiện chất lượng lao động ở doanh nghiệp đáng được ghi nhận. Công nhân, người lao động không những được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn được hướng dẫn cặn kẽ về tác phong làm việc. Tuy nhiên, tỉnh Hải Dương cũng cần sớm khắc phục hạn chế về nguồn lao động, nhà ở xã hội, năng lực cấp điện ổn định để các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất.

Để thu hút và đón dòng vốn đầu tư Nhật Bản trong thời gian tới, ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương, cho biết, tỉnh đã rà soát, bổ sung quỹ đất Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp, đã chuẩn bị nguồn nhân lực về cả chất lượng lẫn số lượng; đã chuẩn bị năng lượng, cơ bản đáp ứng đủ cho phát triển công nghiệp 5-10 năm tới. Hiện nay trên địa bàn có một số dự án nhiệt điện lớn đi vào hoạt động và đã hòa vào lưới điện quốc gia và hoạt động ổn định. Bên cạnh đó, tỉnh đã và đang cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Không chỉ có Nghị quyết chuyên đề về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (Nghị quyết 08), tỉnh còn mở rộng lĩnh vực thu hút đầu tư. Tỉnh cũng định hướng Nhật Bản là một thị trường rất quan trọng để xúc tiến đầu tư.

Cụ thể, trong các lĩnh vực định hướng thu hút đầu tư một cách chọn lọc của Hải Dương thì tỉnh cũng nhận thấy đối với tỉnh thì các nhà đầu tư Nhật Bản rất phù hợp với định hướng thu hút đầu tư về chuyển đổi số, công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; đô thị xanh, thông minh, hiện đại.

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng khẳng định, Hải Dương xác định rõ chiến lược phát triển cho giai đoạn 2021 – 2050 là tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, với mục tiêu phấn đấu tới năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại. Thu hút đầu tư FDI được coi là đòn bẩy để Hải Dương đạt được mục tiêu đề ra.

Xác định đi lên bằng 4 trụ cột kinh tế là: công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; dịch vụ chất lượng cao; đô thị xanh, thông minh, hiện đại. Hải Dương mong muốn các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm vào tất cả các lĩnh vực, trong đó mong muốn ưu tiên thu hút đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ, hạ tầng các khu công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao và phát triển đô thị thông minh.

Hải Dương khẳng định sẵn sàng trao đổi cởi mở, thẳng thắn trên cơ sở tin cậy và hợp tác. Đồng thời cam kết dành những điều kiện thuận lợi nhất, những cơ hội đầu tư tốt nhất cho các FDI Nhật Bản đầu tư và hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

(Source: https://vneconomy.vn/hai-duong-tiem-nang-va-co-hoi-dau-tu-fdi.htm)

Tìm kiếm

Chuyên mục

Các bài viết gần đây

Cập nhật thông tin tại các kênh khác của An Phát Complex