Để đón làn sóng dịch chuyển đầu tư FDI đến Việt Nam, nhiều địa phương liên tục mở rộng, bổ sung quỹ đất khu công nghiệp.. nhằm đáp ứng nhu đầu đa đạng sản phẩm bất động sản công nghiệp của nhà đầu tư.
Bất động sản công nghiệp hưởng lợi từ “sóng” FDI
Năm 2021, mặc dù nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn xuất hiện một số tín hiệu tích cực từ đầu từ nước ngoài khi vốn thực hiện các dự án của nhà đầu tư nước ngoài (FDI). Trong đó, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần FDI đạt gần 2,02 tỷ USD, bằng 37,8% so với cùng kỳ năm trước.
Lĩnh vực đầu tư phân hóa không đồng đều khi 76,4% vốn – chiếm 1,54 tỷ USD tập trung vào công nghệ chế biến, chế tạo. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 179 triệu USD, chỉ chiếm 8,9% tổng vốn đã đăng ký.
Tiếp đà năm 2020, Singapore vẫn là quốc gia đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam trong tháng 1/2021 với tổng vốn đầu tư 680,7 triệu USD, chiếm 33,8%. Theo sau đó là Trung Quốc với 618 triệu USD (tương đương 30,6%) và Hồng Kông (Trung Quốc) với 221,3 triệu USD (tương đương 11%).
Một số dự án lớn trong tháng 1/2021 được ghi nhận là: Dự án chế tạo lốp xe Radian tại Tây Ninh, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm hơn 312 triệu USD; Dự án công nghệ tế bào quang điện JA Solar PV Việt Nam, vốn đầu tư 210 triệu USD với mục tiêu sản xuất tấm tế bào quang điện tại tỉnh Bắc Giang…
Đón những thuận lợi lớn từ FDI, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo trong năm 2021, Việt Nam sẽ thu hút các nguồn lực đầu tư nước ngoài, gồm cả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào bất động sản. Trong đó, xu thế bùng nổ của bất động sản công nghiệp và đô thị hóa trong thời gian tới sẽ thu hút dòng vốn FDI.
Bên cạnh đó, bất động sản công nghiệp bao gồm đất công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn, nhà kho và logistics ở Việt Nam được nhận định đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong xu hướng dịch chuyển đầu tư quốc tế. Với hơn 60% dân số trong độ tuổi lao động, chi phí lao động thấp, giá thuê đất hợp lý, thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi… đây được coi là những lợi thế của Việt Nam so các khu vực lân cận.
Đẩy mạnh bất động sản công nghiệp
Để đón làn sóng dịch chuyển đầu tư FDI đến Việt Nam, từ nay tới năm 2025 TP Hải Phòng sẽ đầu tư thêm 15 khu công nghiệp mới, bổ sung quỹ đất gần 6.500ha để đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư.
Theo Ban quản lý các khu kinh tế TP Hải Phòng, đến năm 2025, nếu lấp đầy được 30% diện tích của 15 khu công nghiệp mới thành lập và duy trì tỉ lệ lấp đầy các khu công nghiệp hiện có thì vốn đăng ký đầu tư lũy kế vào các KCN trên địa bàn sẽ đạt 40 tỉ USD, kim ngạch xuất khẩu của thành phố đạt khoảng 30 tỉ USD và giải quyết việc làm cho trên 300.000 lao động.
Tương tự, tại tỉnh Bắc Giang, hơn 1,3 tỉ USD là tổng nguồn vốn thu hút đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh tăng thêm vào địa bàn tỉnh này trong năm 2020. Hàng chục dự án đang tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng, trong đó có sự hiện diện của những tập đoàn, doanh nghiệp lớn.
Đơn cử như, ngay từ cuối năm 2020, tỉnh Bắc Giang đã đón những điểm sáng đầy hứa hẹn. Trong một động thái được coi nhằm bớt phụ thuộc vào các cơ sở sản xuất Trung Quốc, Foxconn – đối tác lắp ráp lớn nhất của Apple đã quyết định đặt các nhà máy tại địa phương này. Đây mới chỉ là giai đoạn 1 khi Foxconn đầu tư khoảng 270 triệu USD. Trong giai đoạn 2, Foxconn sẽ tiếp tục đầu tư thêm khoảng 400 triệu USD nữa để mở rộng sản xuất tại đây.
Tại khu vực miền Trung, tỉnh Quảng Nam cũng xây dựng kế hoạch, trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh này tiếp tục chọn Khu kinh tế mở Chu Lai là một trong những mũi đột phá đưa nền kinh tế phát triển với trọng điểm là sân bay, khu kinh tế mở, hệ thống các khu công nghiệp kết hợp phát triển du lịch sông Trường Giang.
Trong chiến lược phát triển đến năm 2035, Quảng Nam dồn nguồn lực phát triển khu vực đông nam với trung tâm là Khu kinh tế mở Chu Lai trở thành khu đô thị kiểu mẫu.
Tại khu vực phía Nam, trong giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai dự kiến sẽ mở thêm một số khu công nghiệp có diện tích lớn, trên 1 ngàn ha. Các khu công nghiệp trên sẽ không chỉ thuần túy là đầu tư hạ tầng kỹ thuật và cho doanh nghiệp khu công nghiệp thứ cấp thuê lại để làm nhà xưởng, kho bãi mà sẽ có kèm các dịch vụ tiện ích khác đi kèm.
Đặc biệt, năm 2021, TP.HCM đặt mục tiêu thu hút 550 triệu USD vốn đầu tư vào các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố, tập trung ở 4 ngành công nghiệp trọng yếu và công nghiệp hỗ trợ.
Theo Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố (HEPZA), đơn vị cũng đặt mục tiêu phấn đấu trong năm 2021 là tham mưu UBND thành phố các thủ tục pháp lý theo thẩm quyền tiến tới thành lập và từng bước đưa vào khai thác khu công nghiệp Phạm Văn Hai theo định hướng kỹ thuật cao và khu công nghiệp Hiệp Phước (giai đoạn 3) chuyên ngành dịch vụ cảng-logistic.
Ngoài ra, HEPZA sẽ triển khai xây dựng 20.000 m2 nhà xưởng cao tầng; đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính; trong đó, phấn đấu thực hiện cấp giấy phép lao động qua mạng điện tử cấp độ 3 đạt 20%; 100% số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết (của HEPZA) đủ điều kiện được thực hiện dịch vụ công cấp độ 3, 4.
Source: danviet