Việt Nam triển khai hiệu quả cam kết trong các Hiệp định Thương mại tự do với EU

Việt Nam triển khai hiệu quả cam kết trong các Hiệp định Thương mại tự do với EU

Sau khi tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Cộng hòa Áo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam rời Áo tới Bỉ, thăm làm việc với Nghị viện châu Âu (EP), Vương quốc Bỉ… Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham gia tháp tùng Đoàn Công tác.

Sau khi tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Cộng hòa Áo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam rời Áo tới Bỉ, thăm làm việc với Nghị viện châu Âu (EP), Vương quốc Bỉ. Chuyến thăm và làm việc thể hiện Việt Nam luôn coi Liên minh Châu Âu là đối tác chiến lược, mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác Nghị viện với Liên minh Châu Âu, Nghị viện Châu Âu và Bỉ. Đồng thời khẳng định Việt Nam triển khai hiệu quả cam kết trong các Hiệp định Thương mại tự do với EU.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam

Chuyến thăm và làm việc với Nghị viện Châu âu và Vương quốc Bỉ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện với EU/EP – một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam.

Ngày 28/11/1990 Việt Nam và EU chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Năm 1996 EU mở Phái đoàn Đại diện của Ủy ban châu Âu (EC) tại Hà Nội. Ngày 01-10-2016 Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) giữa Việt Nam và EU có hiệu lực. Lãnh đạo hai Bên thường xuyên trao đổi đoàn và tiếp xúc bên lề các diễn đàn và hội nghị đa phương. Ngày 17/7/1995, Hiệp định khung về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Cộng đồng châu Âu (tiền thân của Liên minh châu Âu) – được gọi tắt là Hiệp định khung 1995 – được ký kết và bắt đầu có hiệu lực vào ngày 01/6/1996. Trong khuôn khổ Hiệp định khung 1995, Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam – EC được thành lập, là diễn đàn trao đổi về tình hình thực hiện các chương trình hợp tác giữa Việt Nam và EU.  Từ tháng 12/2011, cơ chế đối thoại nhân quyền được tiến hành mỗi năm một lần, luân phiên giữa Hà Nội và Brúc-xen (Bỉ).

Về hợp tác trong khuôn khổ đa phương Việt Nam và EU phối hợp tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ hợp tác ASEAN – EU, ASEM và Liên hợp quốc. Trong khuôn khổ hợp tác ASEAN-EU, Việt Nam và EU đã chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – EU 23 (12/2020). Hai bên phối hợp chặt chẽ trong ASEM thông qua đối thoại chính trị, hợp tác kinh tế tăng cường, thúc đẩy và hỗ trợ thực hiện các dự án tiểu vùng Mê Công – Đa-nuýp cũng như mô hình hợp tác giữa các địa phương Việt Nam – EU (như mô hình Bến Tre – Tun-chê-a (Ru-ma-ni), Cần Thơ – Ru-sê (Bun-ga-ri). Hai bên cũng tích cực triển khai hiệu quả gói hỗ trợ “Team Europe” trị giá hơn 800 triệu EUR của EU hỗ trợ ASEAN ngăn chặn sự lây lan Covid-19 và giảm thiểu các tác động tiêu cực của đại dịch. Bên cạnh đó, hai bên phối hợp hợp tác hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), hội nhập khu vực và hợp tác giải quyết các vấn đề quốc tế.

Về hợp tác thương mại, tính đến hết năm 2020, kim ngạch thương mại song phương đạt 55,39 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 40,05 tỷ USD  và nhập khẩu từ thị trường EU đạt 15,34 tỷ USD. Hiện EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 (sau Mỹ và Trung Quốc) và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 (sau Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN và Nhật Bản) của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại thứ 17 của EU và xếp thứ 11 trong số các nước xuất khẩu lớn nhất vào EU (trong các nước châu Á, chỉ sau Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ). Trong 7 tháng đầu năm 2021, trao đổi thương mại hai chiều với EU đạt 32,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang EU đạt 22,5 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu từ EU đạt 9,7 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một điểm nhấn trong quan hệ Việt Nam- EU là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được  Ủy ban Thương mại Quốc tế (INTA) Nghị viện Châu Âu (EP) thông qua nghị quyết trình EP phê chuẩn ngày 21/01/2020 và Quốc hội Việt Nam thông qua EVFFTA ngày 08/6/2020. Đây là một Hiệp định FTA thế hệ mới, có mức độ cam kết rất cao ở nhiều lĩnh vực, lần đầu tiên EU kết thúc đàm phán với một nước đang phát triển ở châu Á. Hiệp định cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, Quy tắc xuất xứ, Hải quan và thuận lợi hóa thương mại, Vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), Cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ, phát triển bình vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý.

Đối với Việt Nam, hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA là những ngành xuất khẩu chủ lực mà hiện EU vẫn duy trì thuế quan cao như dệt may, giày dép và hàng nông sản. Về nhập khẩu, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận với nguồn máy móc, thiết bị, công nghệ/kỹ thuật cao từ EU, qua đó nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Về môi trường kinh doanh, việc thực thi các cam kết trong EVFTA sẽ dẫn đến những cải thiện về thể chế, chính sách, pháp luật theo hướng minh bạch, thuận lợi hơn và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.

Về đầu tư tính đến tháng 20/7/2021, có 25 nước EU đầu tư vào Việt Nam với 2.229 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 22,2 tỷ USD, chiếm 5,6% tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam. Đầu tư của EU đã có mặt tại 55 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Dẫn đầu là Bà Rịa – Vũng Tàu với 33 dự án, tổng vốn 3,8 tỷ USD, chiếm 16,89% tổng vốn đăng ký của EU tại Việt Nam; Đứng thứ hai là thành phố Hồ Chí Minh với 1.014 dự án, tổng vốn đầu tư 3,4 tỷ USD, chiếm 15,37% tổng vốn đăng ký của EU tại Việt Nam; Hà Nội đứng thứ 3 với 468 dự án, tổng vốn đầu tư 3,2 tỷ USD, chiếm 14,53% tổng vốn đăng ký của EU tại Việt Nam. Về đầu tư của Việt Nam sang EU, tính lũy kế đến tháng 7/2021, Việt Nam đã có 113 dự án đầu tư sang các nước EU với tổng vốn đăng ký 494 triệu USD. Đứng đầu là hoạt động bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác với 40 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 152 triệu USD; đứng thứ hai là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 06 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 98 triệu USD; thứ ba là hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm với 02 dự án, tổng vốn đăng ký là 68 triệu USD.

EU là một trong những nhà tài trợ lớn cho Việt Nam. EU luôn là một trong những nhà tài trợ lớn cho Việt Nam. Trong giai đoạn 1993 – 2013, tổng cam kết ODA của EC và các nước thành viên EU đạt gần 15 tỷ USD, chiếm 20% tổng cam kết của cộng đồng tài trợ quốc tế cho Việt Nam, trong đó viện trợ không hoàn lại của EU đạt khoảng 1,5 tỷ USD. Ngân sách viện trợ của EC dành cho Việt Nam liên tục tăng từ 140 triệu Euro giai đoạn 1996 – 2001 lên 162 triệu Euro giai đoạn 2002 – 2006 , lên 304 triệu Euro giai đoạn 2007 – 2013 và 400 triệu Euro giai đoạn 2014 – 2020. Hiện nay hai bên đang tham vấn xây dựng Chương trình hợp tác mới với Việt Nam giai đoạn 2021 – 2027, ưu tiên các lĩnh vực quan trọng để đạt mục tiêu phát triển bền vững.

Như vậy, bên cạnh việc tăng cường hợp tác, thúc đẩy quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện với EU/EP, chuyến thăm và làm việc của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam càng có ý nghĩa quan trọng sau khi EP và Quốc hội Việt Nam thông qua AVFTA và EVIPA, thể hiện ý chí của Việt Nam trong việc triển khai hiệu quả cam kết trong các hiệp định thương mại tự do với EU. Đồng thời cũng là sự mở đầu cho mối quan hệ, hợp tác tốt đẹp giữa Lãnh đạo cao nhất của hai cơ quan lập pháp trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa mới.

Cùng với thông điệp Việt Nam luôn mong muốn tăng cường hợp tác với EU và hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với EP; Việt Nam còn sẵn sàng là cầu nối thúc đẩy quan hệ ASEAN-EU, AIPA-EP. Lãnh đạo Quốc hội Việt Nam và EU sẽ có những trao đổi về những kết quả thực hiện và cam kết của Việt Nam đối với EVTA và các phương hướng hợp tác hiệu quả hơn trong thời gian tới. Với EP, Việt Nam mong muốn Nghị viện Châu Âu thúc đẩy Nghị viện các nước thành viên EU sớm phê chuẩn EVIPA; sớm có cơ chế hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và EP để thúc đẩy thực thi Hiệp định EVFTA.

Theo dự kiến, Chủ tịch Quốc hội sẽ có các cuộc hội đàm với Chủ tịch EP, Hội kiến Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, gặp Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế, Chủ tịch Đoàn Nghị sỹ quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á.

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại EU/EP và Vương quốc Bỉ, dự kiến Chủ tịch Quốc hội sẽ có các cuộc hội kiến với các nhà Lãnh đạo Quốc hội Vương quốc Bỉ; gặp gỡ các doanh nghiệp của Bỉ đang có các dự án hợp tác và có tiềm năng hợp tác tại Việt Nam trên các lĩnh vực như cảng biển, Logicstics, công nghệ thông tin và lãnh đạo các vùng, địa phương của Bỉ để thúc đẩy hợp tác với Việt Nam và nhiều hoạt động quan trọng khác.

Việt Nam và Bỉ thiết lập quan hệ Ngoại giao ngày 22/3/1973. Bỉ mở sứ quán tại Hà Nội tháng 11/1975; cử Đại sứ thường trú tháng 6/1976. Việt Nam mở Đại sứ quán tại Bruxelles tháng 01/1991. Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế là cơ chế trao đổi cấp Chính phủ về các lĩnh vực hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Bỉ, được thiết lập năm 2011, họp định kỳ 2 năm và luân phiên tại Hà Nội và Bruxelles. Ủy ban hỗn hợp về kinh tế lần 5 đã được tổ chức vào ngày 06/11/2019 tại Bỉ. Thương mại song phương giữa Việt Nam và Bỉ đã đạt được những bước phát triển nhất định với kim ngạch thương mại 2 chiều tăng đều trong giai đoạn 2013-2019. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Bỉ năm 2019 đạt khoảng 3,1 tỷ USD. Tuy nhiên do sưới tác động của covid, năm 2020 chỉ đạt 2,7 tỷ USD. Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước không cạnh tranh mà mang tính bổ sung cho nhau.Tuy Bỉ là một thị trường nhỏ nhưng quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Bỉ ở mức cao so với nhiều nước EU và châu Âu khác, đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam do hàng hóa từ Việt Nam được vào Bỉ để đưa sang các nước Tây Âu khác. Hiện Bỉ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Việt Nam trong EU (sau Đức, Anh, Hà Lan, Pháp, Italia).

Tính đến 7/2021, Vương quốc Bỉ có 82 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,1 tỷ USD, đứng thứ 23/131 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. FDI của Bỉ chủ yếu vào các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, cấp nước và xử lý nước thải, công nghiệp chế biến, chế tạo. Các nhà đầu tư Vương quốc Bỉ đã đầu tư vào 16 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu ở Hải Phòng, Bắc Ninh, Bình Dương, Quảng Ninh, Bình Thuận, Phú Thọ, Bến Tre và thành phố Hồ Chí Minh. Hải Phòng dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư từ Bỉ với 6 dự án, tổng vốn đầu tư 416,8 triệu USD; Tiếp theo là  Hà Nội với 14 dự án, tổng vốn đầu tư 321,4 triệu USD; Đứng thứ ba là tỉnh Bắc Ninh với 2 dự án, tổng vốn đầu tư 42,56 triệu USD. Về hợp tác nông nghiệp, Bỉ là thị trường hàng nông sản đứng thứ 5/28 nước EU của Việt Nam, nhất là thủy sản và cà phê. Lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội và các Bộ trưởng, lãnh đạo tỉnh, thành phố là thành viên Đoàn sẽ có các hoạt động gặp gỡ, trao đổi để cụ thể hóa thêm các kết quả hợp tác trong các lĩnh vực đã được ký kết cũng như những tiềm năng hợp tác trong thời gian tới

Phát huy những kết quả trong hợp tác trên nhiều lĩnh vực, thông qua chuyến thăm tại Bỉ, Quốc hội Việt Nam khẳng định sẽ tăng cường phối hợp giám sát thực thi hiệu quả các Hiệp định, Thỏa thuận mà Chính phủ hai nước đã ký kết và triển khai các dự án chiến lược tại mỗi nước; chuyển tải thông điệp, hình ảnh Việt Nam với môi trường ổn định, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cởi mở, là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư Châu Âu.

Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử Quốc hội

Tìm kiếm

Chuyên mục

Các bài viết gần đây

Cập nhật thông tin tại các kênh khác của An Phát Complex