Đó là khẳng định của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng tại hội nghị Gặp gỡ châu Âu 2021.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng phát biểu tại hội nghị Gặp gỡ châu Âu 2021
Sáng 25.11, Bộ Ngoại giao phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức hội nghị Gặp gỡ châu Âu 2021: Đối tác Việt Nam-EU hậu Covid-19 và công bố Sách trắng EuroCham 2021.
Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh.
Phát biểu tham luận, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng khẳng định Hải Dương có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để hợp tác, thu hút các doanh nghiệp châu Âu đầu tư. Đó là vị trí địa kinh tế rất thuận lợi; hạ tầng giao thông, điện nước, viễn thông khá đồng bộ, hiện đại phục vụ tốt cho hoạt động của các doanh nghiệp; nguồn nhân lực tại chỗ khá dồi dào và khả năng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ các địa phương khác.
Hải Dương có kinh nghiệm trong thu hút đầu tư FDI khi sớm tiếp cận với nguồn vốn này. Đến nay, Hải Dương đã thu hút 489 dự án FDI đến từ 26 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư 9,2 tỷ USD, trong đó có 23 dự án đến từ EU với tổng số vốn khoảng 500 triệu USD. Các dự án FDI đã đóng góp tới 35% GRDP của tỉnh.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho biết Hải Dương có dư địa về hạ tầng để sẵn sàng thu hút đầu tư FDI. Hiện tỉnh có 10 khu, 40 cụm công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 80%. Hải Dương đang hoàn thiện hạ tầng 6 khu công nghiệp mới với tổng diện tích 1.176 ha, trong đó dự án có thể cho thuê hạ tầng sớm nhất từ quý I.2022, chậm nhất từ quý III.2022.
Hội nghị Gặp gỡ châu Âu 2021 được truyền hình trực tuyến đến các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có điểm cầu Hải Dương
Hải Dương đang quy hoạch phát triển tiếp 15 khu, 50 cụm công nghiệp cho giai đoạn 2021 – 2030 với tổng diện tích gần 10.000 ha. Tỉnh đã quy hoạch 1 vùng công nghiệp động lực và đang đề nghị Chính phủ cho thành lập khu kinh tế tại các huyện Bình Giang, Thanh Miện, chỉ cách Hà Nội 25 phút đi ô tô đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với tổng diện tích 10.000 ha, trong đó 5.000 ha đất công nghiệp, 2.000 ha đất đô thị, dịch vụ và logistics.
Đặc biệt, Hải Dương cũng có kinh nghiệm và kiểm soát tốt dịch Covid-19 trong các khu, cụm công nghiệp; không để các doanh nghiệp bị dừng sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng. Vì vậy, năm 2021 Hải Dương có tốc độ tăng trưởng ước đạt trên 8,5%.
Khẳng định môi trường đầu tư, kinh doanh của Hải Dương đang được cải thiện mạnh mẽ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn có nhiều hơn nữa các doanh nghiệp thành viên EuroCham đến đầu tư tại tỉnh. Hải Dương cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ, dành những điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp FDI, trong đó có các doanh nghiệp đến từ châu Âu đầu tư, hoạt động hiệu quả, phát triển tại địa phương.
Tại hội nghị đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác mới giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và EuroCham; công bố Sách trắng thường niên lần thứ 13 của EuroCham với sự chứng kiến của lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương Việt Nam và đại diện cơ quan ngoại giao châu Âu tại Việt Nam.
Các đại biểu cũng đã đối thoại, thảo luận 2 chuyên đề là: Nâng cao chất lượng và trách nhiệm đối với môi trường đầu tư, kinh doanh; Đối tác Việt Nam – EU hậu Covid, kết nối địa phương và doanh nghiệp.
EuroCham được thành lập vào năm 1998 với trên 1.000 thành viên và là 1 trong 5 hiệp hội châu Âu lớn nhất thế giới.
Nguồn: Báo Hải Dương