Con sóng bất động sản logistics đang tràn đến

Con sóng bất động sản logistics đang tràn đến

Trở lại Đình Vũ, Hải Phòng, sau năm năm, anh bạn tôi không khỏi tấm tắc trước sự thay đổi đến ngỡ ngàng. Con đường nhỏ bé, lầy lội, hai bên đầy cỏ dại ngày nào giờ đã trở thành tuyến đường đôi rộng rãi, tấp nập các chuyến xe container. Nhưng không chỉ có thế, bán đảo hoang sơ với vài nhà máy sản xuất lốp xe, bột mì và xơ sợi giờ đã kín các kho, bãi, kho ngoại quan…

Bên trong trung tâm logistics của U&I Logistics tại tỉnh Bình Dương.

“Giờ không thể gọi là khu công nghiệp Đình Vũ, mà phải gọi là khu logistics Đình Vũ”, anh bạn kết luận sau khi được dẫn đi một vòng.

Tương tự như ở Đình Vũ, giờ đây nếu dạo qua một vòng các khu công nghiệp ở Bình Dương, bạn cũng sẽ bắt gặp rất nhiều đơn vị không phải là sản xuất công nghiệp, mà là các trung tâm logistics. Thực tế này cũng bắt đầu lan ra ở các địa phương khác như Bắc Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Với một nền kinh tế (trước khi xuất hiện dịch Covid-19) có GDP tăng trưởng 7% và xuất nhập khẩu tăng 8% hàng năm, khối lượng hàng hóa luân chuyển trong nước và quốc tế gia tăng là điều dễ hiểu. Do vậy, các trung tâm logistics ngày càng đóng vai trò quan trọng và xuất hiện càng nhiều.

Cũng như các cơ sở sản xuất, trung tâm logistics cần có đất. Nếu như cách đây 10 năm, trung tâm logistics ở Tiên Sơn với diện tích hơn 5 héc ta đã là một hình mẫu ở khu vực phía Bắc, thì bây giờ diện tích đó đã trở nên chật hẹp. Nhu cầu của một trung tâm logistics cỡ trung bình hiện nay đòi hỏi diện tích từ 15-20 héc ta. Các trung tâm logistics với tầm nhìn xa cần diện tích từ 50 héc ta trở lên.

Do vậy, một thị trường bất động sản logistics đang hình thành và tăng tốc nhanh hơn bất kỳ loại hình bất động sản nào khác trong giai đoạn này. Một doanh nghiệp trong lĩnh vực này cho biết, mặc dù không đem lại lợi nhuận cao như bất động sản nghỉ dưỡng, văn phòng hay nhà ở, bất động sản logistics không đòi hỏi đầu tư nhiều, đem lại doanh thu ổn định trong thời gian dài.

Với xu hướng chuyên môn hóa trong chuỗi cung ứng hiện đại, các doanh nghiệp sản xuất, thương mại có xu hướng tập trung vào lĩnh vực cốt lõi của mình, và sẽ thuê ngoài các kho bãi để chứa nguyên liệu, thành phẩm nên nhu cầu về trung tâm logistics chỉ có tăng trong thời gian tới.

Vì thế, một làn sóng ngầm của các nhà đầu tư săn lùng vị trí đắc địa để xây dựng trung tâm logistics đang tràn đến.

Cho đến gần đây, người ta mới chỉ biết có một trung tâm logistics Hateco nằm bên kia cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội). Nhưng giờ đây, chỉ cần thêm 10 phút chạy xe qua bên kia cầu Phù Đổng, sự hiện diện của các trung tâm logistics bề thế của nước ngoài như Mapletree, Linfox hay FM Logistic đã khẳng định sự hấp dẫn của thị trường logistics Việt Nam.

Cuộc đua hiện nay làm người ta liên tưởng đến cuộc đua săn lùng mặt bằng để mở các trung tâm thương mại, siêu thị, ngân hàng. “Kẻ đi trước sẽ là người có lợi thế” – một doanh nhân khẳng định khi cho biết ông đã chuyển từ kinh doanh bất động sản công nghiệp sang logistics.

Các khu vực xung quanh Hà Nội như Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên đang ở trong tầm ngắm của các nhà đầu tư logistics. Ngay cả những đại gia bất động sản tên tuổi như T&T Group, BRG giờ cũng đã bước chân vào lĩnh vực này.

Mới đây nhất, thông tin về một nữ đại gia 9x của Bến Thành Holdings dự kiến đầu tư một khu công nghiệp dịch vụ logistics, công nghệ cao và cảng biển tại Quảng Ninh với quy mô 4.988 héc ta, vốn đầu tư trên 58.200 tỉ đồng còn làm cho nhiều lão làng trong làng logistics Việt chưa hết ngạc nhiên thì tin tức về một liên danh Bỉ, Hà Lan và Việt Nam sẽ xây dựng một trung tâm logistics với quy mô vốn lên đến xấp xỉ 1 tỉ đô la ở Cái Mép Hạ lại làm cho thị trường bất động sản logistics càng thêm nóng bỏng.

Nhưng bên cạnh đó, thị trường bất động sản logistics cũng có những nốt trầm. Trung tâm Logistics Song Khê (Bắc Giang) nằm ngay cạnh tuyến đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn, với diện tích khoảng 80 héc ta, đã được khởi công nhưng vẫn chưa hoàn thành.

Theo một lãnh đạo tại địa phương, việc thiếu vắng cơ chế cho các nhà đầu tư thứ cấp khiến cho trung tâm logistics này đang bị chậm trễ, chưa phát huy được vai trò giải tỏa cho cửa khẩu biên giới khỏi ùn tắc. Tại Cần Thơ, trung tâm logistics Cái Cui với diện tích lên đến 240 héc ta đã được thành phố phê duyệt, nhưng chưa tìm được nhà đầu tư.

Nhiều ẩn số vẫn còn ở phía trước. Nhưng một điều có thể khẳng định chắc chắn là thị trường logistics Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động, phản ánh sự vươn lên của một ngành dịch vụ thiết yếu đối với nền kinh tế là logistics.

Nguồn: thesaigontimes.vn

Tìm kiếm

Chuyên mục

Các bài viết gần đây

Cập nhật thông tin tại các kênh khác của An Phát Complex