Năm 2018, cả nước có gần 80.000ha đất xây khu công nghiệp

Năm 2018, cả nước có gần 80.000ha đất xây khu công nghiệp

Theo số liệu thống kê trong một báo cáo mới đây của JLL, diện tích đất dành cho xây khu công nghiệp của nước ta tính đến thời điểm năm 2018 là gần 80.000ha.

Báo cáo của JLL cho biết, năm 1986, Việt Nam bắt đầu mở cửa các khu công nghiệp với tổng diện tích chỉ khoảng 335ha, sau hơn 20 năm phát triển, đến nay, diện tích đất công nghiệp của nước ta đã lên tới gần 80.000ha và trở thành một trong những điểm thu hút đầu tư lớn của khu vực.

Có được sự tăng trưởng mạnh mẽ này theo JLL là do Việt Nam đã đưa ra những định hướng chính xác trong việc xây dựng nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu, đưa ra phương án thành lập các khu công nghiệp và kinh tế trọng điểm đúng đắn, chủ động tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA), nền kinh tế có sự tăng trưởng mạnh mẽ, nguồn lực lao động dồi dào, trẻ, chi phí thấp.

Trong báo cáo, JLL cũng nêu chi tiết về tình hình phát triển khu công nghiệp của Việt Nam theo từng khu vực. Cụ thể, tại 25 tỉnh thành của miền Bắc, ngoài một số nhà đầu tư ngoại như: VSIP (Singapore/Việt Nam), Thuận Thành 2 (Đài Loan) hay Nomura (Nhật Bản) thì hoạt động của các khu công nghiệp đa phần đều được phát triển bởi các tập đoàn trong nước.

Năm 2018, cả nước có gần 80.000ha đất xây khu công nghiệp
Toàn quốc có tới khoảng hơn 6 triệu m2 diện tích nhà xưởng trong các khu công nghiệp

Tổng diện tích đất khu công nghiệp ở khu vực phía Bắc hiện là 18.900ha với 2,7 triệu m2 diện tích nhà xưởng, trung bình giá thuê đạt 4,1 USD/m2/tháng, khoảng 82% diện tích được lấp đầy.

Với ưu thế về nguồn lao động dồi dào, trẻ, chi phí nhân công thấp, khu vực phía Bắc được đánh giá là đang có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư muốn dịch chuyển ra khỏi thị trường Trung Quốc giáp ranh.

Thêm vào đó, khu vực phía Bắc, dẫn đầu là Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh cũng được đánh giá là có lợi thế hơn so với khu vực phía Nam về công nghệ cao. Trong giai đoạn 5-10 năm qua,  khu vực này có sự phát triển vô cùng mạnh mẽ và ngày càng tiên tiến, hiện đại.

So với khu vực miền Bắc và miền Nam, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung hiện còn khá non trẻ với tổng diện tích đất khu công nghiệp là 17.600ha, có 229.500m2 diện tích nhà xưởng, đạt giá thuê trung bình hàng tháng là 2,9 USD/m2.

Các tập đoàn trong nước là những đơn vị chính nắm giữ hoạt động của các khu công nghiệp miền Trung, hoạt động chủ yếu tập trung vào nhóm ngành công nghiệp nhẹ như công nghiệp chế biến thực phẩm.

Riêng tại khu vực miền Nam, tổng diện tích khu công nghiệp chiếm cao nhất với 44.700ha, đạt hơn 3 triệu m2 diện tích nhà xưởng, có giá thuê trung bình hàng tháng là 3,1 USD/m2.

Các chủ đầu tư trong nước cũng là những đơn vị điều hành chính của phần lớn các khu công nghiệp tại miền Nam. Bên cạnh đó, cũng có một số nhà đầu tư nước ngoài như VSIP và Amata (Thái Lan) tham gia đầu tư vào khu vực này. Trong đó, Tp.HCM, Bình Dương và Đồng Nai là những địa phương có hoạt động khu công nghiệp sôi động nhất cả nước. Miền Nam không chỉ là trung tâm phát triển công nghiệp đầu tiên của đất nước, mà còn luôn dẫn đầu về cả tốc độ tăng trưởng lẫn sự phát triển cũng như sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Tìm kiếm

Chuyên mục

Các bài viết gần đây

Cập nhật thông tin tại các kênh khác của An Phát Complex