Hàng loạt khu công nghiệp mới mọc lên ở Hải Dương – nơi được các nhà đầu tư rỉ tai nhau là có vị trí địa lý chiến lược, chính sách thu hút đầu tư tốt, cơ sở hạ tầng vật chất được cải thiện. Hải Dương được cho là đang nắm giữ nhiều ưu thế trong cuộc đua của bất động sản công nghiệp Việt Nam.
Lợi thế khi đầu tư nhà máy tại Hải Dương
Sau thành công trong công tác phòng chống dịch Covid-19, Việt Nam nổi lên như một điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Tham gia diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam năm 2020 với chủ đề “Thời cơ vàng trong vận hội mới” vừa được tổ chức trong tháng 6, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương cho rằng, bối cảnh kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19 rất bất định. Vì vậy, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ thận trọng hơn đối với quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư và thể hiện rõ nét mong muốn đa dạng hóa địa điểm đầu tư.
Theo khảo sát của JLL, giá đất cho thuê trung bình của khu công nghiệp miền Bắc đạt 99 đô la Mỹ/m2/chu kỳ thuê, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, phân khúc nhà xưởng xây sẵn có mức giá thuê tháng ổn định, dao động từ 4 đến 5 đô la Mỹ/m2. Tại miền Nam, số lượng yêu cầu thuê đất tăng cao, giá đất trung bình đạt 101 đô la Mỹ/m2/chu kỳ thuê, tăng 12,2% so với cùng kỳ.
Cũng tại sự kiện trên, ông Phạm Minh Phương, Chủ nhiệm câu lạc bộ Ban Quản lý các Khu công nghiệp, khu kinh tế, Trưởng ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương cho rằng, bất động sản công nghiệp Việt Nam đang trong thời kỳ “dọn tổ đón đại bàng”. Vì thế, đây là thời cơ để Việt Nam chuẩn bị tốt trở thành điểm sáng thu hút nhiều dòng vốn đầu tư.
Trong xu thế đó, nhiều tỉnh thành gần khu vực Hà Nội, TPHCM lên kế hoạch ráo riết chuẩn bị cho việc đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư.
Tại miền Bắc, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh thường được nhắc đến đầu tiên trong mảng thu hút đầu tư. Tuy nhiên, vài ba năm trở lại đây, Hải Dương đang nổi lên là ứng cử viên hấp dẫn.
Gần cảng biển Quốc tế Hải Phòng và sân bay Cát Bi (Hải Phòng), Nội Bài (Hà Nội), Hải Dương kết hợp với Hải Phòng và Quảng Ninh thành tam giác trọng điểm kinh tế khu vực phía Đông vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đây là thuận lợi rất lớn cho phát triển công nghiệp hỗ trợ, cơ khí đóng tàu, công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, dịch vụ vận chuyển, dịch vụ ven biển như cảng nội địa, logistics xuất nhập khẩu hàng hóa…
Hơn nữa, hiện xung quanh Hải Dương đã có khá nhiều các tập đoàn lớn trên toàn cầu đang hoạt động tại các tỉnh lân cận như Samsung, LG, Foxconn… đây được coi là thị trường tiềm năng cho công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là ngành nhựa của Hải Dương phát triển trong giai đoạn tới.
Riêng nguồn lao động, Hải Dương hiện có hơn một triệu người trong độ tuổi lao động trên tổng dân số là gần 1,8 triệu người, chiếm tỉ lệ gần 60% dân số của tỉnh này.
Chưa kể, hiện nay một số ngành công nghiệp mũi nhọn tại Hải Dương như công nghiệp sản xuất lắp ráp máy móc, ô tô, điện – điện tử… đang được đầu tư phát triển mạnh, đây sẽ là thị trường hạ nguồn rất lớn và đa dạng cho các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Đến nay, tỉnh Hải Dương có 12 khu công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng với tổng diện tích quy hoạch hơn 2.400 héc ta. Trong đó 10 khu công nghiệp đã được thành lập và đi vào hoạt động như An Phát Complex và một số khác đang được triển khai gấp rút là Quốc Tuấn- An Bình.
Đầu tư 2 khu công nghiệp trong 2 năm
Xuất hiện trên “bản đồ” kinh tế của Hải Dương, khu công nghiệp An Phát Complex thuộc Tập đoàn An Phát Holdings đang nổi lên là điểm đến hàng đầu. Mặc dù An Phát Complex là cái tên khá mới trong đầu tư bất động sản khu công nghiệp vì mới chỉ chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm 2018 nhưng sau hơn một năm, khu công nghiệp này đã lọt Top 10 doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp có lợi nhuận lớn nhất 2019.
An Phát Complex đang là nơi tập trung sản xuất của An Phát Holdings đồng thời đã được rất nhiều nhà đầu tư quốc tế chọn lựa là nơi đặt nhà máy sản xuất. Hiện tỉ lệ cho thuê của An Phát Complex đạt 65%, mục tiêu sẽ là 100% vào cuối năm 2020.
Ông Phạm Văn Tuấn, Tổng Giám đốc An Phát Complex, cho biết hoạt động cho thuê của khu công nghiệp sẽ phát triển theo hướng khả quan do bắt nhịp được xu hướng hình thành khu công nghiệp kỹ thuật cao khép kín, thân thiện môi trường trên thế giới và triển khai mạnh one-stop service (dịch vụ một cửa) hỗ trợ doanh nghiệp toàn diện đi kèm.
Ông Tuấn cũng cho biết: “Điểm khác biệt lớn nhất là An Phát Complex không lấy việc cho thuê đất khu công nghiệp làm mục tiêu duy nhất, mà còn tập trung vào phát triển các dịch vụ đi kèm như cung cấp giải pháp tài chính, nguồn nhân lực, hỗ trợ về công nghiệp phụ trợ, thủ tục hành chính, hải quan và thậm chí có cả dịch vụ logistics”.
Cuối năm 2019, An Phát Holdings công bố đầu tư thêm khu công nghiệp Quốc Tuấn – An Bình cũng tại Hải Dương. Khu công nghiệp này thuộc huyện Nam Sách, có vị trí nằm tiếp giáp phía tây quốc lộ 37 tại đoạn Km 69.
Bước đi này của An Phát Holdings được giới chuyên gia đánh giá là khôn ngoan, nhằm nắm bắt cơ hội kinh doanh trong xu hướng dịch chuyển sản xuất từ các nước lân cận sang Việt Nam. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới thì Việt Nam nổi lên là điểm đến an toàn, thuận lợi cho việc duy trì hoạt động của các nhà máy.
Mục tiêu chính của Quốc Tuấn – An Bình là phát triển hạ tầng công nghiệp, phục vụ các nhà đầu tư thuê lại đất trong khu công nghiệp – khác với An Phát Complex tập trung vào dịch vụ xây dựng và cho thuê nhà xưởng. Giai đoạn I của khu công nghiệp Quốc Tuấn – An Bình dự kiến rộng 180 héc ta, sẽ đi vào hoạt động từ quý I năm 2021, giai đoạn II dự kiến có diện tích 360 héc ta.
Theo thời báo kinh tế Sài Gòn.