Kết nối địa phương – doanh nghiệp, nắm bắt cơ hội

Kết nối địa phương – doanh nghiệp, nắm bắt cơ hội

Chiều 26.4, Bộ Ngoại giao và Tạp chí Kinh tế Việt Nam (Vietnam Economic Times) đã phối hợp tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu phát triển 2021 với chủ đề “Kết nối địa phương – doanh nghiệp, nắm bắt cơ hội”.


Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại diễn đàn

Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ tham dự và chủ trì diễn đàn. Cùng dự có các đồng chí: Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao; đại diện lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố; các Đại sứ, Đại biện các quốc gia tại Việt Nam; trưởng, phó đại diện các tổ chức xúc tiến thương mại; Chủ tịch, Phó Chủ tịch các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài và hơn 200 doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp Việt Nam cùng lãnh đạo tỉnh Hải Dương tỉnh Hải Dương tới dự.

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, đồng chí Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh trải qua một năm đầy sóng gió do ảnh hưởng của đại dịch, thiên tai và cạnh tranh quốc tế nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng cao trong khu vực, đứng thứ 33 trong top 100 quốc gia, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.

Đến nay, vốn FDI là động lực quan trọng trong tăng trưởng của kinh tế cả nước, nhưng thu hút đầu tư nước ngoài vẫn còn hạn chế, chưa đạt kỳ vọng. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần chủ động đón làn sóng đầu tư nước ngoài lần thứ 4 vào Việt Nam. Giữ vững ổn định chính trị; tập trung cải thiện thể chế theo hướng minh bạch, an toàn, hiệu quả; nâng cao năng lực cải cách hành chính; xây dựng nền kinh tế tự chủ; đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp (DN) trong nước góp vốn, liên kết với DN nước ngoài nhằm nâng cao năng lực. Bên cạnh đó, ưu tiên phát triển hạ tầng nhằm thu hút các dự án lớn.

Song hành với các nhiệm vụ trên, đồng chí Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương phải đồng hành, hỗ trợ các DN nhằm tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng trong tìm hiểu và đầu tư tại Việt Nam. Đồng chí mong muốn khu vực FDI ngày một phát triển và trở thành động lực cho nền kinh tế.


Lãnh đạo tỉnh Hải Dương phát biểu tại phiên thảo luận của Diễn đàn Nhịp cầu phát triển 2021 do Bộ Ngoại giao và Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức

Phiên thảo luận của diễn đàn với chủ đề “Nhận diện và thu hút thành công các dòng FDI trong bối cảnh mới” đã thu hút sự tham gia của nhiều lãnh đạo địa phương cùng đại diện các hiệp hội xúc tiến thương mại và DN. Những nội dung được đề cập và trao đổi trong phiên thảo luận bao gồm nhận diện bối cảnh và đánh giá cơ hội dịch chuyển đầu tư; xác định chiến lược thu hút đầu tư, đón dòng dịch chuyển mới phù hợp với chủ trương quy hoạch phát triển và tiềm năng, lợi thế của các địa phương; những sáng kiến và giải pháp trên thực tiễn đã được các địa phương triển khai nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư, DN vượt qua thách thức, hoạt động có hiệu quả, tăng cường mở rộng quy mô đầu tư.

Chia sẻ tại diễn đàn, Lãnh đạo tỉnh Hải Dương nhấn mạnh sau 20 năm thu hút đầu tư, Hải Dương đã có tổng số 485 DN FDI với tổng vốn đầu tư 9,1 tỷ USD, đóng góp khoảng 60% tổng giá trị sản phẩm công nghiệp trên địa bàn. Các DN FDI cũng như DN Hải Dương đã tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong việc xuất khẩu. Giai đoạn 2016-2020, tổng giá trị xuất khẩu của Hải Dương đạt 32 tỷ USD; riêng năm 2020, con số này đạt 7,7 tỷ USD, gấp 1,5 lần so với năm 2019.


Diễn đàn có sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp Việt Nam

Về vấn đề gắn kết giữa DN FDI với doanh nghiệp nội địa, Lãnh đạo tỉnh Hải Dương khẳng định DN FDI trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả, liên tục tăng vốn đầu tư, mở rộng nhà máy, nhưng sự gắn kết giữa các DN FDI và DN địa phương không nhiều. Do đó chuỗi giá trị mà DN địa phương tham gia chủ yếu nằm ở các phân khúc chế biến nông sản, may mặc, da giày hoặc linh phụ kiện điện tử… Vì vậy, cần có cách tiếp cận mới đối với việc thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng tăng tỷ suất đầu tư trên mỗi đơn vị diện tích hạ tầng công nghiệp, tăng hàm lượng khoa học – công nghệ trong mỗi dòng vốn đầu tư cũng như yếu tố bảo vệ môi trường.


​Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao và Công ty TNHH Mainstream Renewable Power Việt Nam về bồi dưỡng cán bộ làm công tác đối ngoại tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương Việt Nam

Cũng trong khuôn khổ của Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021 đã diễn ra 2 lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, gồm: Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Ngoại vụ và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam về việc hỗ trợ các doanh nghiệp Hoa Kỳ kết nối với các địa phương Việt Nam; Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao và Công ty TNHH Mainstream Renewable Power Việt Nam về bồi dưỡng cán bộ làm công tác đối ngoại tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Nhân kỷ niệm 20 năm chương trình Rồng Vàng, Ban tổ chức đã vinh danh Top 10 doanh nghiệp FDI phát triển bền vững và Top 50 doanh nghiệp FDI tiêu biểu năm 2020.

Nguồn: baohaiduong

Tìm kiếm

Chuyên mục

Các bài viết gần đây

Cập nhật thông tin tại các kênh khác của An Phát Complex